Header

DANH MỤC TIN TỨC

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline

0271.382.6789
 

NIÊM YẾT DỊCH VỤ

Video

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Thống kê gian hàng
Đang truy cập: 2
Tổng lượt truy cập: 1587801

Sức sống từ “Tình ca mùa xuân”

Đăng lúc: Thứ hai - 29/02/2016 10:51 - Người đăng bài viết: admin
Sức sống từ “Tình ca mùa xuân”

Sức sống từ “Tình ca mùa xuân”

Vẫn biết “Tình ca mùa xuân” chỉ là một trong rất nhiều bài hát nổi tiếng về mùa xuân, về tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn. Tuy nhiên, ngày xuân vô tình nghe lại, nét trong trẻo, đầy sức sống của nhạc phẩm đã khiến tôi thấy lòng tràn ngập tin yêu; thấy đâu đâu cũng hân hoan, chứa chan niềm tươi mới, mến thương. Không ngần ngại, tôi cất lên tiếng hát, hòa theo chất giọng của ca sĩ Thanh Hoa “Em ơi em! Mùa xuân đã về trên cành lá...”.

Có thể đa số bài thơ ra đời trong kháng chiến chống Mỹ đều được nhạc sĩ lấy làm cảm hứng sáng tác. Vì thế, “Tình ca mùa xuân” được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Loan vào năm 1978 không ngoại lệ. Những nốt nhạc kỳ diệu khiến không ít đôi lứa nhìn thấy mình và thấy cả niềm tin yêu với người yêu dấu. Với tôi, một người không sống trong không khí huy hoàng ấy, lại thấy chân - thiện - mỹ tràn ngập cả cuộc đời, khi chỉ mới vài ba phút nghe nhạc phẩm “Tình ca mùa xuân”. Càng nghe tôi càng cảm nhận rõ, sự thành công của bài hát không chỉ bắt nguồn từ tài năng âm nhạc Trần Hoàn mà còn được tạo nên từ chính bài thơ giàu chất nhạc của nhà thơ Nguyễn Loan. Nhạc và thơ hòa quyện tạo thành sức sống lâu bền cho ca khúc.

Thể thơ 5 chữ đơn giản với cách ngắt chữ 2/3, 3/2 - “Em ơi em/Mùa xuân/ đã về/trên cánh lá/ Tiếng chim kêu/ngọt quá/ Cho trời/ xanh xanh thẳm”... trong bài thơ lại phù hợp cách ngắt nhịp 3/2, 2/3 ở cung la thứ và la trưởng trong nhạc. Điều vô tình này đã được nhạc sĩ Trần Hoàn chọn làm phương tiện phổ nhạc cho “Tình ca mùa xuân”. Và sinh ra vốn đã vậy, la thứ là cung thể hiện hiệu quả nhất nỗi buồn so với các cung khác. Nên khi nhập vào thơ khiến bao hình ảnh tươi mới, xinh đẹp của “tiếng chim kêu”, “trời xanh”, “mùi hương thơm”, “làn môi”, “nụ hôn đầu”... không thể che giấu đằng sau là nỗi nhớ thương, mong mỏi sớm gặp lại người yêu của bao chàng trai, cô gái. Cung la trưởng, vốn phù hợp cho “tuyên ngôn tình yêu” được hòa âm ở phần hai bài thơ lại giúp nỗi mong mỏi ấy trở thành niềm hân hoan, khi họ luôn tin rằng người yêu sẽ quay về. Để không một hình ảnh buồn, không một lời than trách, không một tiếng thề nguyền trong thơ nhưng bằng hai cung la thứ và la trưởng, nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn đã giúp đôi lứa cảm nhận được tâm tư, tình cảm sâu đậm trong ấy.

Bên cạnh đó, thanh huyền, sắc, nặng và thanh bằng... cũng tạo nên chất nhạc trong bài thơ với độ cao thấp, ngắt nghỉ cố định. Cụ thể: Bắt đầu câu đầu tiên là tiếng gọi người yêu tha thiết, trìu mến với ba chữ không dấu (thanh bằng) đầy sức lan tỏa của chàng trai - “Em ơi em”. Để khi nghe tiếng gọi dịu nhẹ, mến thương này, cô gái cũng yên lòng cảm nhận có điều gì đó nguyên sơ, trọn vẹn đang bắt đầu. Và chúng ta như lắng lại khi nhà thơ Nguyễn Loan gọi đó là “mùa xuân”. “Mùa xuân” nối tiếp ngay sau tiếng gọi thể hiện đầy đủ nhất niềm tin mà đôi lứa dành cho sức sống mãnh liệt của tình yêu. Và sau đó, việc nhà thơ Nguyễn Loan sử dụng nhiều thanh trắc ở chữ cuối như: “lá”, “quá”, “thẳm”... nhấn sâu cho tác phẩm, giúp cô gái hiểu niềm tin yêu dành cho nhau là vững bền, là bất biến. Việc sử dụng nhiều từ láy “xanh xanh”, “sinh sôi”, “xinh xắn”, “hối hả”... không chỉ khẳng định sự nguyên sơ trong tình yêu mà còn nâng cánh tình yêu trở thành lý tưởng để chàng trai chắc tay súng nơi biên giới và cô gái “vững vàng bàn tay” xây dựng quê hương ở hậu phương.

Qua từng âm thanh, hình ảnh của “Tình ca mùa xuân”, ta nghe cuộc sống dậy lên muôn màu tươi mới. Và khi cất lên tiếng hát, ta nghe đâu đó tình cảm thương mến, mang chút riêng tư của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn với người vợ đã bao mùa xuân xa cách. Mọi người thường nói tình yêu với Huế, với dải đất miền Trung, với âm nhạc và với người vợ xa cách bao năm đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn thăng hoa trong những bài thơ về mùa xuân, về Huế. Và với tôi, “Tình ca mùa xuân” tràn đầy sức sống khi mùa xuân đất nước được sinh sôi từ tình yêu đôi lứa, từ ngôn ngữ thơ chuẩn xác của nhà thơ Nguyễn Loan và nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Tác giả bài viết: Khách sạn Hương Sen
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới