TẮT LỬA TỐI ĐÈN...
Gia đình anh chị Trịnh Duy Tưởng (1958), Lê Thị Thuận (1965) và gia đình anh chị Nguyễn Hữu Dũng (1971), Trần Thị Vòng (còn gọi là Hằng, 1975) đã có hàng chục năm trời là láng giềng tốt, sống cạnh nhau tại ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú. Họ cùng ở các tỉnh Tây Nguyên chuyển về đây lập nghiệp và nhận là anh chị em kết nghĩa, tắt lửa tối đèn có nhau... Vợ chồng chị Vòng - anh Dũng ít tuổi hơn nên làm em của anh chị Tưởng - Thuận. Chị Thuận cho biết, tình cảm giữa họ lúc đó còn thân thiết hơn cả anh em ruột.
Chủ nhân 2 căn nhà này đã có một thời rất thân thiết
Nội dung thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng ghi rõ: Bên nhận chuyển nhượng đặt cọc trước 100 triệu đồng. Bên chuyển nhượng chịu trách nhiệm làm sổ đỏ chính quy do nhà nước cấp chuyển sang tên cho bên nhận chuyển nhượng. Trong thời gian 30 ngày, tính từ ngày bên nhận chuyển nhượng nhận được sổ đỏ chính quy đã sang tên, bên nhận chuyển nhượng sẽ giao toàn bộ số tiền còn lại 125 triệu đồng cho bên chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng nếu không thực hiện đúng như cam kết thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đã đặt cọc của bên nhận chuyển nhượng.
... DẮT NHAU RA TÒA
Thế nhưng, thực tế bên chuyển nhượng là vợ chồng chị Vòng - anh Dũng đã không thực hiện như đúng thỏa thuận. Sau hơn 4 năm, chị Vòng - anh Dũng đã không sang tên sổ đỏ cho bên nhận chuyển nhượng là anh Tưởng - chị Thuận. Khi tìm hiểu ra, chị Thuận mới biết Vòng đã lập hợp đồng chuyển nhượng đất cho một người khác và ra chứng thực tại UBND xã Đồng Tiến từ ngày 11-6-2010. Vì vậy, anh chị Tưởng - Thuận đã yêu cầu vợ chồng Vòng - Dũng phải trả lại tiền đặt cọc. Thời điểm này, anh Tưởng bị tai biến, vợ chồng Vòng - Dũng vẫn qua lại ngọt nhạt để giữ mối quan hệ với anh chị Tưởng - Thuận và hứa hẹn sẽ trả lại số tiền đặt cọc khi bán được nhà.
Sau 2 năm, vợ chồng Vòng - Dũng khất nợ trả tiền đặt cọc, cũng đồng nghĩa với việc hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp dân sự, bất ngờ chị Vòng tuyên bố không trả món nợ này và thách thức vợ chồng chị Thuận.
Anh chị Tưởng - Thuận đã làm đơn khởi kiện vợ chồng Vòng - Dũng gửi đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú. Phải hơn 2 năm sau họ mới nhận được quyết định của tòa án giải quyết vụ việc nhưng là quyết định của... Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài. Đó là Quyết định số 28/QĐST-DS ngày 17-6-2015 đình chỉ giải quyết đối với vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa các đương sự: Nguyên đơn là ông Trịnh Duy Tưởng và bà Lê Thị Thuận. Bị đơn là ông Nguyễn Hữu Dũng và bà Trần Thị Vòng. Lý do, tháng 10-2010 là ngày quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thuận, ông Tưởng bị xâm hại nhưng đến ngày 22-12-2012, bà Thuận, ông Tưởng mới có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú là hết thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 159, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Như vậy, với chiêu bài ngoạn mục là chờ cho hết thời hiệu khởi kiện của vợ chồng người em kết nghĩa Dũng - Vòng và với quyết định của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài, vợ chồng anh chị Tưởng - Thuận đã mất trắng 100 triệu đồng tiền đặt cọc...!?
Chị Thuận cho biết thêm: Vì quá tin tưởng vợ chồng người em kết nghĩa nên sau khi đã đưa 100 triệu đồng tiền đặt cọc, chị Thuận tiếp tục đưa hết số tiền còn lại 125 triệu đồng cho Dũng - Vòng nhưng không viết giấy giao nhận tiền. Vì vậy trong vụ án này, chị Thuận phải chấp nhận mất trắng 225 triệu đồng.
Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy, chỉ vì cái lợi trước mắt mà có những người đã xem nhẹ cả “luân thường đạo lý”, vì đồng tiền mà họ đã bước qua tình nghĩa xóm làng “tối lửa, tắt đèn có nhau”. Thật đáng lên án những kẻ tráo trở, lật mặt như lật bàn tay. Nhưng cũng thật đáng trách cho những trường hợp quá tin người để rồi phải trả giá đắt, không chỉ mất tiền mà còn bị thiên hạ cười chê.
tin tưởng, kết nghĩa, thỏa thuận, sử dụng, tráo trở, tranh chấp, dân sự, bài học, tinh thần
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc