Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch
Trên địa bàn Bình Phước có rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích cấp tỉnh, quốc gia. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau nên hoạt động du lịch ở Bình Phước hết sức èo uột, thiếu hạ tầng do chưa đầu tư để ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Để đánh thức tiềm năng du lịch, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư khi đến Bình Phước.

Tiềm năng du lịch chưa được đánh thức

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên đất Bình Phước có nhiều di chỉ khảo cổ với niên đại cách nay hơn 2000 năm như: đàn đá, các công cụ bằng đá, rìu tứ diện, gốm... Cùng với đó là nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như: Phú Riềng Đỏ, núi Bà Rá, nhà Giao tế Lộc Ninh, sóc Bom Bo, Mộ tập thể 3000 người, sân bay quân sự Lộc Ninh, bồn xăng ở Lộc Quang...

Bình Phước còn có hệ thống sông, suối, hồ, thác có giá trị phát triển du lịch, cân bằng hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ở sông Bé, sông Sài Gòn, Đắk Gun, sông Đắk Quýt... lắm thác, nhiều ghềnh như Tàn Sao, Công Viên, Sừng Trâu, thác Voi và một số như hồ suối Cam, suối Lam... Ngoài ra, hồ Thác Mơ ở thị xã Phước Long có hơn 10 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích khoảng 200 ha, cảnh quan thơ mộng, hữu tình. Núi Bà Rá (Phước Long) có độ cao 723m với một quần thể di tích lịch sử như đồi Bằng Lăng, nhà tù Bà Rá, tượng phật. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy cả một khu vực rộng lớn của thị xã Phước Long, Nhà máy thủy điện Thác Mơ và hồ Thác Mơ.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập rộng 26.032 ha, bảo tồn nhiều loại thực vật đặc trưng như cẩm lai, trắc gụ, giáng hương, cây họ dầu và nhiều loài động vật quý hiếm. Thiên nhiên còn ban tặng cho Bình Phước một thắng cảnh đẹp và hoang sơ là trảng cỏ Bù Lạch ở xã Đồng Nai (Bù Đăng). Ngoài ra, Bình Phước còn là nơi hội tụ của 41 dân tộc anh em nên rất đa dạng trong sinh hoạt văn hóa, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại và du lịch văn hóa.

Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), sở dĩ Bình Phước vẫn chưa tạo được dấu ấn bởi các điểm du lịch ít được đầu tư. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du khách còn hạn chế. Chất lượng và sản phẩm du lịch chưa tạo được nét đặc trưng, độc đáo riêng. Các dự án du lịch được quan tâm đầu tư đang trong giai đoạn triển khai, chưa hoàn thiện. Việc thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài còn yếu so với các tỉnh khác. Nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch còn thiếu và yếu về số lượng cũng như chất lượng. Một số tài nguyên du lịch chưa được quan tâm đúng mức...

Ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch đến năm 2050. Tập trung xây dựng chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư khi đến Bình Phước. Đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, mang nét độc đáo riêng. Tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, nguồn vốn phi chính phủ để đầu tư cho phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt với địa phương khác”.

Thực hiện chính sách ưu đãi

Để phát triển tiềm năng du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/2013/QĐ-UBND ngày 9-10-2013 về khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thực hiện một số danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi như xây dựng khu du lịch sinh thái, khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí...

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh nói: “Ngoài các danh mục, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư còn được ưu đãi về giá đất. Được miễn, giảm tiền thuê đất 7 năm đối với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, 11 năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; 15 năm đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và nhiều chính sách ưu đãi khác”.

Hiện Bình Phước đang kêu gọi nhà đầu tư vào 6 dự án du lịch trọng điểm gồm: Khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; Khu căn cứ Bộ chỉ huy Miền (Lộc Ninh); Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch; Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng); Khu du lịch đô thị hồ suối Cam (Đồng Xoài) với số vốn khoảng 17.400 tỷ đồng. Trong đó, Dự án du lịch sinh thái và phim trường trảng cỏ Bù Lạch, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã hoàn thành giai đoạn I. Tỉnh cũng đã ký kết hợp tác, xúc tiến du lịch với các tỉnh Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Hiện trên địa bàn tỉnh có 73 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho khách du lịch. Theo thống kê, năm 2013, trên địa bàn tỉnh có khoảng 182.020 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách nội địa 173.260 lượt và 8.760 lượt khách quốc tế. Doanh thu của ngành du lịch Bình Phước trong năm 2013 ước đạt 160,92 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 182,47 tỷ đồng.


Tác giả bài viết: Khách sạn Hương Sen

Nguồn tin: Báo Bình Phước