Văcxin “nóng” trong đêm Giáng sinh

Văcxin “nóng” trong đêm Giáng sinh
Ai bắt những đứa trẻ ra giữa cái rét từ tờ mờ sáng của ngày Giáng sinh để chờ đăng ký một suất chích ngừa?

Câu hỏi này đã hiện lên trong tâm trí bao người khi ngày 25-12, hàng loạt tờ báo mạng đăng tải những chùm ảnh, những đoạn phim về cảnh tượng hỗn loạn chờ đăng ký một suất chích ngừa văcxin 5 trong 1 dịch vụ vừa được ồ ạt nhập về.

Một “cơn mưa” văcxin dịch vụ với 200.000 liều Pentaxim, tưởng chừng giải được cái hạn suốt hơn hai năm qua về tình trạng thiếu văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ.

Nhưng tại sao những đứa trẻ lẽ ra được yên lành một giấc ngủ ngoan ấy lại phải được quấn chặt trong áo ấm, chăn bông theo cha mẹ đi tìm một suất văcxin và hầu hết trở về nhà trong tình trạng “về không”?

Văcxin là sinh phẩm chiến lược của cả một quốc gia, xét trên cả bình diện quốc tế. Vai trò của văcxin là phòng bệnh cho mỗi cá nhân. Không ai, không cộng đồng nào, không quốc gia nào xem nhẹ văcxin cũng như vai trò của các chương trình tiêm chủng.

Thế nhưng tại sao lại có tình cảnh trớ trêu là hàng ngàn đứa trẻ được cha mẹ đăng ký xếp lịch chờ chích ngừa, hoặc sang nước bạn chích ngừa thay vì đi chích miễn phí văcxin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) lúc nào cũng sẵn có?

Phải chăng do cái chết của 10 trẻ sau khi chích ngừa Quinvaxem từ đầu năm 2015 đến nay, dù phần nhiều trong đó được xác định không liên quan đến văcxin này?

Tỉ lệ tai biến nặng liên quan tới Quinvaxem tại Việt Nam được chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết là 4,5/1 triệu liều, tuy có trong mức cho phép hay không cũng không bậc cha mẹ nào chấp nhận được, bởi đâu ai muốn con mình rơi vào con số rủi ro kia.

Dù chiều tối 25-12 ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu các cơ sở chích ngừa dời lại ngày mở chích ngừa Pentaxim từ ngày 28-12 thay vì 25-12 như dự kiến, nhưng Bộ Y tế ở đâu khi không lường trước cảnh hỗn loạn của đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ đầu tiên được cung cấp ra thị trường?

Cũng như Bộ Y tế đã trả lời thỏa đáng thế nào câu hỏi: vì sao có trẻ sốc phản vệ với văcxin Quinvaxem được cứu sống, nhưng có trẻ sốc phản vệ lại kết thúc sự sống ở 2-3-4 tháng tuổi dù trước đó vẫn khỏe mạnh?

Cũng có một câu hỏi rất lớn khác cần phải làm rõ, đó là khi trả lời câu hỏi tại sao có một lượng văcxin Pentaxim lớn “bất ngờ” như thế thì văn phòng đại diện Sanofi Pasteur tại Việt Nam cho biết do đích thân cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đứng ra thuyết phục nhà sản xuất ở Pháp cung ứng cho thị trường Việt Nam.

Vậy tại sao Bộ Y tế không quyết liệt làm điều này sớm hơn để giải quyết nhu cầu của dân chúng: ai muốn cho con tham gia tiêm chủng mở rộng thì chọn Quinvaxem, ai muốn chọn dịch vụ thì có văcxin dịch vụ như những năm trước đây?

Không ai muốn con mình mắc các bệnh đã có văcxin phòng ngừa, càng không ai muốn con mình chết sau khi chích ngừa và cũng chẳng ai muốn bồng bế con xếp hàng từ 2-3g sáng hay ra nước ngoài để chích ngừa.

Nhưng Bộ Y tế vẫn để lại đó những dấu hỏi quá lớn về vai trò quản lý của mình trong việc chăm sóc sức khỏe của hơn 1,5 triệu trẻ sinh ra mỗi năm, đó là quyền được chích ngừa an toàn.

Tác giả bài viết: Khách Sạn Hương Sen - Bình Phước

Nguồn tin: Nguồn TTO